Nhạc sĩ Kim Long: 50 năm viết thánh ca

Publié le par Chorale TRIỀU DÂNG

Trích báo Lao Động số 300 Ngày 25/12/2007 Cập nhật: 10:09 PM, 24/12/2007
Kinh hoa binh
(LĐ) - Từ thế kỷ XVI, trong không gian xứ sở VN, ngoài những mái chùa Phật giáo ngàn đời, ngoài những tháp Chàm rêu phong cổ kính... bắt đầu xuất hiện những tháp nhọn chọc trời của những nhà thờ Thiên Chúa giáo. 

Từ đó, nó nhỏ vào biển âm thanh âm nhạc truyền thống VN những giọt thánh ca phương Tây. Một phản ứng văn hoá âm thầm, lặng lẽ bắt đầu diễn ra chầm chậm giữa biển âm thanh đó.
Âm nhạc bác học phương Tây mà nguồn cội từ thánh ca là một phát minh vĩ đại của loài người và rất tự nhiên, nó đã “mưa dầm thấm sâu” vào xã hội ta trong thế kỷ XX. Sau phong trào “lời ta, điệu tây” là đến phong trào vận động nhạc “cải cách”. Nếu Hội Nhạc sĩ VN năm nay kỷ niệm nửa thế kỷ thành lập, thì sang năm mới, tân nhạc VN cũng vào tuổi “cổ lai hy”. Để tạo nên đội ngũ các nhạc sĩ VN suốt bảy thập kỷ qua, đã có rất nhiều người bắt đầu tìm hiểu âm nhạc phương Tây từ nhà thờ và sau đó trở thành nhạc sĩ sáng tác hay biểu diễn.
Tác giả “Quốc ca Việt Nam” - nhạc sĩ Văn Cao vốn là học sinh của trường Saint-Joseph ở Hải Phòng, còn nhạc sĩ Đỗ Minh - tác giả “Đảng ca” thì cũng vốn là một con chiên xứ đạo. Tân nhạc VN không chỉ đưa các nhạc sĩ từ nhà thờ bước ra cuộc đời mà còn tạo nên các tác giả thánh ca VN như  nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh ở Hà Nội những năm trước Cách mạng Tháng Tám với những nhạc sĩ Hoàng Lân, Tâm Bảo, Thiên Phụng, Hải Linh tích cực sáng tác hàng trăm bài tập hợp trong những tập cung thánh.
Còn ở Sài Gòn, nhạc sĩ Trần Văn Nhơn còn có tên gọi là APNC (tức Antoine-Philippe-Nhơn-Cầu Kho) đã góp không ít cho ca đoàn Hùng Tâm Dũng Chí tại nhà thờ Ngã sáu (Nhà thờ thánh Jeanne d’Arc). Chính từ những âm hưởng này, Kim Long đã nhập thần vào thánh ca từ thuở thiếu thời và bắt đầu tiếp nối những sáng tạo thánh ca từ năm 1957 của tuổi thanh xuân.
Tính đến nay, linh mục Phêrô Kim Long đã có 50 năm viết thánh ca cho Giáo hội VN. Trong dịp Noel 2007, tại đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội (40 Nhà Chung) đã tổ chức đêm thánh ca “Ca lên đi - mừng Chúa Giáng sinh” nhằm giới thiệu những sáng tác thánh ca tiêu biểu của nhạc sĩ Kim Long trong suốt 50 năm qua.
Nhiều ca đoàn Hà Nội và Sài Gòn như: Đại chủng viện thánh Giuse dòng Phaolô, Dòng Mến Thánh Giá, Nhà thờ Lớn, giáo xứ Hàm Long, Giáo xứ Thái Hà (Hà Nội) và ca đoàn Vượt Qua (Sài Gòn) đã tụ quần để tạo nên những âm hưởng thánh ca của nhạc sĩ Kim Long. Nhiều ca sĩ có duyên với thánh ca như: Hoàng Hiệp, Lưu Hương Giang, Diệu Hiền, Tất Đạt cũng tham dự các tiết mục đơn ca. Đặc biệt cặp song ca Thanh Sử và Trần Ngọc với bản “Chúa không lầm” đã gây ấn tượng mạnh.
Nhạc sĩ Kim Long quả là đã tạo được phong cách riêng của mình qua các nhạc phẩm ngắn gọn, xinh xắn mà “Chúa không lầm” là một điển hình. Bài hát được viết ở thể một đoạn kép có điệp khúc thật cô đọng để nêu bật chủ đề “Chúa không lầm”. Với điệu thức rê thứ, đoạn đầu đã thực hiện bằng lối tiến hành đi xuống, rồi đi lên để mở giai điệu tới cao trào với những đồng âm khẳng định:
Chúa không lầm khi Ngài dựng nên con/ Dù lời Ngài con không giữ tròn/ Vì Chúa đã biết từ ngàn xưa/ Rằng thân con bởi tro bụi/ Và được cưu mang trong tội lỗi. Đoạn sau là đoạn điệp khúc ở điệu thức trưởng đồng cung như lời nhắn ân cần: Nhưng lòng Chúa quá bao la/ Dù cho bao phen con yếu đuối/ Thành tâm xin ăn năn thống hối/ Là Ngài lại thứ tha.
Nghe các hợp xướng của các ca đoàn trình diễn, chợt sống lại một thời hợp xướng những năm hoà bình của miền Bắc và thấy rằng thời gian gần đây, việc cố gắng phục hồi lại không khí này ở các thành phố là cần thiết. Hợp xướng “Mùa xuân cứu thế” của nhạc sĩ Kim Long hoàn toàn có thể trình diễn trên nhiều sân khấu, chứ không riêng gì trong không gian nhà thờ. Đó là sự hoà nhập giữa đạo và đời hết sức tự nhiên, giống như việc các dàn kèn nhà thờ đã từng tấu lên những giai điệu cách mạng trong những dịp lễ, dịp Noel nhiều năm qua.

Nguyễn Thụy Kha

Publié dans Article

Pour être informé des derniers articles, inscrivez vous :
Commenter cet article